Những thăng trầm làng biển  Kỳ 3: Tiếng hát từ lễ hội Cầu Ngư

Xuống sân bay Chu Lai về Quảng Ngãi, chỉ mất một cuốc taxi ngắn để đến Bình Sơn - nơi được coi là “thủ phủ” của những làng nghề đánh bắt xa bờ. Cùng huyện đảo Lý Sơn - huyện Bình Sơn với bờ biển dài hơn 50km, với những khúc quanh gập ghềnh cảng cá, những tên làng can trường bám biển, đã viết nên nhiều câu chuyện huyền thoại. Một buổi trưa gắt nắng đầu đông, chúng tôi đặt chân đến Bình Chánh, ngôi làng nằm mấp mé bên sông Trà Bồng, nổi tiếng với nghề câu mực có từ hàng trăm năm trước…

biển
Những con tàu câu mực ở điểm đậu tàu thuộc thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh.

Đón chúng tôi là lão ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt, hiện là Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ của xã Bình Chánh.

Đi biển trông sao

Nếu nói rằng đánh bắt xa bờ là nghề đơn độc và nguy hiểm, thì câu mực đơn độc và nguy hiểm nhất. Bởi những nghề như săn cá mập, bắt cá ngừ đại dương hay đánh bắt nhiều loại hải sản khác, dù lênh đênh trên biển hàng tháng trời, nhưng thường là trên những tàu hiện đại công suất lớn với đầy đủ trang thiết bị, bạn thuyền đi biển có đến hàng chục người. Còn người câu mực chỉ một mình với một chiếc thuyền thúng, mỏng manh giữa biển khơi đêm tối. Khi tàu câu mực cập tới vùng biển ngoài khơi, phát hiện luồng mực là dừng lại, cứ cách vài hải lý lại thả xuống một vài đôi thuyền thúng. Khi bóng chiều đổ xuống cũng là lúc các thuyền câu mực lên đèn. Nếu bạn có dịp may ở lại trên chiếc tàu lớn, quan sát ra chung quanh, sẽ thấy biển như một thành phố đen ngòm lác đác sao sa. Nếu trời yên biển lặng, các “ngọn sao” trên biển ấy soi cho đàn mực đến ăn câu, người thợ câu nhẫn nại suốt đêm đến tảng sáng thì đầy thúng, tàu lớn lại đi một lượt “lượm” lên, ngư dân ngồi xẻ mực, căng lên giàn phơi, chờ trời tối lại xuống ôm mồi câu xuống thúng. Nhưng nếu gặp sự cố, thì cái mạng người nhỏ bé trên chiếc thuyền đơn độc ấy trở nên mong manh như chiếc lá giữa dòng.

Ngư phủ Nguyễn Hữu Ngọt hầu như chỉ nhớ những chuyện vui trong ký ức 40 năm đi biển của mình.

Ông Nguyễn Hữu Ngọt, năm nay 61 tuổi, đã có hơn 40 năm theo nghề, kỷ niệm nhiều không nhớ hết. Hai mươi tuổi đi biển theo ba, trên một chiếc thuyền nhỏ chỉ 33CV. Thời đó, đi biển hoàn toàn dựa theo kinh nghiệm ông cha truyền lại. Không có phương tiện gì ngoài chiếc la bàn. Ông Ngọt bảo, chủ yếu là nhìn sao mà đoán thời gian. Sao mọc đến đâu thì biết đêm khuya tới đó. Một lần mải mê theo luồng mực, đến khi cậu con rể tương lai la lên: “Ba ơi, ba có nhớ ngày kia là gì không?”, ông Ngọt mới sực nhớ ra còn một ngày nữa là ngày đám cưới nó với con gái mình. Lúc ấy la bàn không có, vật mang theo bên mình chỉ có chiếc radio cũ kỹ. Bằng kinh nghiệm mấy chục năm đi biển của mình, ông Ngọt đã nhờ sóng radio để căn hướng đất liền và tăng tốc chạy về. Ông cứ căm căm theo hướng đó dò sóng mà chạy tới, không ngờ 2 giờ sáng hôm sau thì về đến nhà. “Ngày xưa, kinh nghiệm là vô cùng quan trọng, chứ nếu không phải vì có kinh nghiệm biết ước đoán hướng đi ngắn nhất, dùng radio căn đường căn giờ, tôi về muộn không sao chứ con rể tôi về muộn thì con gái tôi hết cưới”- ông Ngọt cười lớn.

Với lão ngư vạm vỡ can trường ấy, đó chỉ là một câu chuyện vui khiến ông nhớ mãi.

Mà xem ra, đời ngư phủ của ông Ngọt nhiều chuyện vui hơn chuyện buồn. Dù bây giờ ông không đi biển nữa, nhưng ông nhớ biển, như thể ở ngoài đại dương ấy mới là nơi có nhà cửa đất đai vườn tược của ông. Làm nghề câu mực thì nhiều nhất là ở vùng biển Hoàng Sa. Theo trí nhớ của ông Ngọt, chỉ mới tầm chục năm gần đây thôi, thuyền câu mực của ông cứ dăm bữa nửa tháng lại neo gần Hoàng Sa và lên đảo Phú Lâm chơi như cơm bữa. “Lúc đó chúng tôi gọi đó là đảo Cát Vàng, vì có bờ cát vàng đẹp lắm. Lúc đó hữu hảo thân tình, giờ thì cứ nhác thấy bóng mình là họ đuổi, đến gần là họ bắt”…

Ánh mắt đang vui của lão ngư bỗng dưng chùng xuống, xa xăm.

Bây giờ, ông Ngọt không đi biển nữa. Ông làm Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ của Bình Chánh - là HTX đánh bắt xa bờ đầu tiên của cả nước. Lúc nào cũng đeo bên mình cái máy Icom. Tất cả tàu thuyền đánh cá câu mực ngoài đại dương của Bình Chánh đều qua cái Icom ấy để liên lạc với gia đình, thông tin cho nhau từ thời tiết, giá cả thị trường, nhỡ có sự cố thì cũng qua cái Icom mà kịp thời ứng cứu.

Cơn lốc lịch sử

Thuyền chở mực từ tàu câu mực về sông Trà Bồng.

Bây giờ thì ngư dân Bình Chánh không còn phải đi biển trông sao đoán ngày đoán tháng nữa. Vì dù tàu thuyền có đang ở giữa biển khơi nhưng nhờ các trang thiết bị hiện đại trên tàu mà biết trước mọi thông tin từ thời tiết, giá cả thị trường, tình hình của các bạn tàu... Và cũng nhờ cái máy Icom trang bị cho HTX, mà có thể liên lạc thường xuyên về đất liền, những thay đổi thời tiết thường được báo trước mấy ngày. Thiên tai không còn là chuyện đáng lo như ngày trước..

Nhắc đến chuyện thiên tai, người Bình Chánh chưa ai quên câu chuyện về một cơn lốc khủng khiếp 25 năm trước. Lúc buổi chiều muộn, ngồi với các chủ tàu và ngư dân thảnh thơi bên cảng, chúng tôi không chỉ được nghe, mà còn được gặp những người trực tiếp là nhân chứng, là nạn nhân của thảm họa thiên tai ấy. Đó là vào một buổi trưa (23-11 âm lịch) năm 1991, khi đoàn thuyền của xã đang lần lượt vào bờ, thì bỗng dưng một cơn lốc đen ngòm từ đâu cuộn tới. Cơn lốc ấy đã cuốn theo gần 80 người đàn ông, đánh tả tơi hàng trăm tàu thuyền, mang theo gần như là tất cả, những gì mạnh mẽ nhất, trụ cột nhất của Bình Chánh. Hình ảnh buổi trưa nghiệt ngã đó, với những người đàn bà tất tả chạy dọc bờ biển, gào tên chồng, tên con… vẫn in dấu trong ký ức người Bình Chánh cho đến tận hôm nay. Ngày hôm sau đó, cả xã trắng khăn tang. Và hằng năm sau đó, cả làng có giỗ một ngày. Gần 80 người đàn bà bỗng chốc thành góa bụa. Bình Chánh cũng từ đó cũng có tên “Làng góa bụa”.

Trong khoảng 5 năm sau đó, cả làng buồn tang thương. Ngày giỗ năm nào dọc đường làng cũng vang lên tiếng khóc kêu ai oán. Nhưng không ai buồn mãi được, người còn sống vẫn phải tiếp tục bươn chải mưu sinh. Những người đàn bà góa người ít nhất cũng ngoài 50, người nhiều tuổi đã ngoài 80.

Giờ đây, ngày 23-11 âm lịch hằng năm biến thành một ngày hội của cả làng, nhà nhà cúng giỗ, mời người quen khắp nơi về làng ăn uống rôm rả. Nhưng khi ai đó về gợi lại chuyện cũ, người làng lại không hề muốn khơi lại nỗi đau ấy nữa, vì cái gì qua thì cũng đã qua rồi.

Rồi thì bà Bùi Thị Niên cũng cất tiếng phá tan bầu không khí trầm lắng của chiều đông. Bà kể, hồi đó con trai duy nhất của bà là Ngô Văn Quý, 17 tuổi, mới chỉ học lớp 8. Và đó là chuyến đi biển đầu tiên cũng là cuối cùng của nó. Nó chết vùi trong biển cùng với tấm lưới buộc chỉ đỏ. Người ta không tìm được xác con cho bà, nhưng lại tìm được tấm lưới của nó. Hồi đó bà buồn không thiết sống nữa, chị em tới bón cho bà từng thìa cháo, động viên bà vượt qua cú sốc lớn nhất trong đời. Bà nói, hồi đó lốc cũng chỉ mạnh như bây giờ thôi, nhưng cả làng chỉ toàn ghe nhỏ, mỗi chiếc bốn năm người, có chiếc cả gia đình chết hết. Giờ ngoài cảng toàn thuyền lớn, đi biển đâu còn sợ giông lốc nữa.

Nhân công của xưởng mực toàn là phụ nữ, trong đó có những bà góa sau cơn lốc lịch sử.

Chúng tôi đã đến một xưởng chế biến mực để gặp những người đàn bà còn trẻ trong số những người góa bụa ấy. Những người đàn bà lặng lẽ che giấu gương mặt mình dưới vành nón, ngồi thành hàng bới những con mực thành phẩm vứt sang một bên, để phân loại mực trước khi thương lái đến. Không ai nói gì, chỉ nghe những tiếng cười giòn tan. Trong hơi ẩm gió biển mang tới cuối chiều, mùi mực đã se khô nồng đượm tỏa lên như có điều gì không thể cất thành tiếng.

Không thể chạm tới được nỗi đau sâu thẳm của những người phụ nữ, chúng tôi quay vào gặp chủ cơ sở chế biến mực. Thật bất ngờ được biết, anh chính là một trong những người đàn ông hiếm hoi may mắn sống sót từ cơn lốc lịch sử đó.

Đến giờ anh Nguyễn Đức Trà cũng không hiểu vì sao mình thoát được cơn lốc ấy. Anh nhớ, hồi ấy đi biển bằng thuyền nhỏ, lên thuyền từ chiều hôm trước mang theo một nắm cơm, gần trưa hôm sau là trở về. Khi đoàn thuyền bị nạn, anh còn là một thanh niên nhỏ tuổi. Chứng kiến người hàng xóm cuốn đi ngay trước mắt mình khiến anh ám ảnh mãi về sau. Mấy năm sau đó, anh không đi biển nữa, ở trên bờ thu mua và chế biến mực để xuất đi cho các thương lái. Cũng không thể ngờ, thoát chết hy hữu từ cơn lốc lịch sử, hiện giờ anh Trà đã là chủ của một cơ sở chế biến mực quy mô với sản lượng khoảng hơn 2 nghìn tấn mực/năm. Cơ sở anh cũng tạo việc làm cho khoảng 80-100 lao động, trong đó chủ yếu là những người phụ nữ.

Tay trắng dựng cơ đồ

Thật ra, những câu chuyện về tai ương mất mát giờ đây như cát đã chìm xuống biển sâu. Đúng như lời bà Niên, tàu lớn đâu còn sợ giông lốc nữa. Đến Bình Chánh bây giờ, có thể thấy các đội tàu hàng trăm chiếc công suất lớn ngày đêm ra khơi hùng dũng. Đội tàu công suất lớn phát triển rất nhanh, và cho đến nay Bình Chánh đã có tới sáu tàu vỏ thép. Cả xã có tới bốn cơ sở chế biến mực, cùng với dịch vụ hậu cần nghề cá gồm thu mua sản phẩm, sửa chữa và đóng mới tàu do HTX đánh bắt xa bờ phụ trách, thì những người không có vốn đóng tàu ra khơi vẫn có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.

Từ một thanh niên theo ba trên chiếc thuyền 33CV lênh đênh trên biển, nay ông Ngọt đã có hai chiếc tàu lớn. Ông cũng là ngư dân đầu tiên ở Quảng Ngãi đóng tàu vỏ thép. Bây giờ, hai tàu lớn của ông do con rể làm chủ, vẫn giữ nghề câu mực và lưới vây. Hằng năm, ông trích từ lợi nhuận nghề biển, trao 450 suất học bổng cho con em Bình Chánh.

Ông Đương vừa trải qua chuyến câu mực gần ba tháng từ Trường Sa trở về.

Đang lang thang trên cảng neo đậu tàu mực, nơi con sông Trà Bồng đổ ra biển, chúng tôi ngắm nhìn những tàu mực vẫn nối đuôi nhau trở về sau những chuyến đi. Mực trên tàu được chuyển lên những chiếc thuyền nhỏ để chở ra cảng sông. Trên bờ, những chiếc xe tải đã chờ sẵn để đưa mực về xưởng chế biến.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hồng Đương, chủ tàu QN-95771 vừa từ Trường Sa trở về sau đi 85 ngày đi biển. Tàu ông có tất cả 35 thuyền viên thì có 31 cái thúng câu mực, còn bốn người là thuyền trưởng lái tàu và người nấu cơm phục vụ. Ông hào hứng kể con tàu của ông đã đỗ ở đảo Thuyền Chài, An Bang, Đá Đông, Song Tử Tây… trong chuyến câu mực kéo dài gần ba tháng. Ông đã đặt chân lên gần khắp quần đảo Trường Sa trong cả cuộc đời câu mực gần 30 năm của mình. Ông nói đi câu mực ở Hoàng Sa nguy hiểm hơn, thường hay bị tàu Trung Quốc dí điện, đánh úp. Còn Trường Sa có đảo, có bộ đội. Đảo Đá Tây của mình có dịch vụ hậu cần nghề cá, thiếu dầu hay thực phẩm ngư dân đều có thể vào đảo mua.

Bao đời nay thăng trầm bên biển, thiên nhiên dẫu có lúc hung dữ mang đến tai ương hoạn nạn, nhưng biển cả vẫn là cánh đồng phì nhiêu màu mỡ để ngư dân Bình Chánh gặt hái đủ cho cuộc sống no ấm bao đời. Người Bình Chánh biết ơn thần Nam Hải, biết ơn người mẹ Biển cả. Trên con đường làng khuya khoắt, phảng phất mùi gió biển, anh Nguyễn Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn kể cho chúng tôi nghe về điệu hò bả trạo. Anh kể, hàng năm vào mùa xuân, độ mùng bốn Tết, người làng Bình Chánh lại tổ chức lễ hội cúng tế thần Nam Hải ở Lăng Vạn Cù Lao - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chính ông Ngọt là người làm chủ tế, hàng nghìn ngư dân dâng lễ thắp hương khấn cầu Thần Nam Hải một năm thuận buồm xuôi gió, biển lặng trời yên. Và tại đó, những ngư dân cùng hát lên điệu hò bả trạo trong lễ hội Cầu ngư.

Hát rằng: Ngó lên Bắc Đẩu Nam Tào / Kìa con cá Liệt nọ sao Ông Chài / Ngó lên hòn núi Thiên Thai / Dưới gành Lữ Vọng trên đài Nghiêm lăng/Ngó ra biển bạc nước săn/Mồi neo sửa lót neo quen dừng chèo… Thuyền nan gặp sóng ba đào / Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con…

Báo Nhân Dân, 29/12/2016
Đăng ngày 31/12/2016
MINH NHẬT - THẢO LÊ - AN NGUYÊN
Đánh bắt

Nâng cao công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

Hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tàu cá
• 10:29 10/01/2025

Bình Định tăng cường lãnh đạo, xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU

Thực hiện Văn bản số 567-CV/BCSĐ ngày 18/12/2024 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5.

Tàu cá
• 09:43 07/01/2025

Gỡ khó trong cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản

Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU từ Ủy ban Châu Âu (EC), trong đó việc cấp giấy xác nhận (SC) và chứng nhận (CC) nguyên liệu thủy sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong triển khai đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Thu hoạch cá
• 10:47 17/12/2024

Bình Định sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Ngày 10/12/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 84/2024/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Tàu cá
• 10:17 16/12/2024

5 yếu tố "vàng" bà con cần lưu ý khi lựa chọn máy cho tôm ăn

Thức ăn chiếm tới 70% chi phí trong nuôi tôm – và đó cũng là lý do khiến nhiều hộ nuôi đau đầu với bài toán lợi nhuận. Bà con có biết, chỉ cần một chiếc máy cho tôm ăn tự động phù hợp, bạn có thể tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi vụ, giảm lãng phí, tăng năng suất vượt trội?

Máy cho tôm ăn
• 18:45 15/01/2025

Các biện pháp xử lý nước trước khi thả tôm

Đối với người nuôi tôm, việc xử lý nước nuôi tôm là rất quan trọng. Khi nguồn nước trong ao luôn sạch, sẽ giúp cho tôm khỏe mạnh, mau lớn và phòng tránh được rất nhiều loại bệnh. Sau đây là biện pháp xử lý nước trước khi thả tôm vào ao nuôi.

Xử lý nước
• 18:45 15/01/2025

Giá cá tra xuất khẩu đầu năm 2025: Tín hiệu tăng trưởng lạc quan

Bước vào đầu năm 2025, thị trường cá tra xuất khẩu đang chứng kiến những tín hiệu tích cực. Sau giai đoạn suy giảm trong năm ngoái do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, giá cá tra hiện đang phục hồi ổn định và có xu hướng tăng.

Cá tra
• 18:45 15/01/2025

Rong biển: Người dọn dẹp tiềm năng cho môi trường thủy sản

Rong biển, một loài thực vật biển đa năng, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà còn mang lại nhiều lợi ích cho ngành thủy sản. Với khả năng làm sạch môi trường nước và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững, rong biển đang trở thành một giải pháp tự nhiên được nhiều quốc gia quan tâm và áp dụng.

Rong biển
• 18:45 15/01/2025

Vẹm xanh: Nhiều công dụng tuyệt vời với sức khức khỏe con người

Vẹm xanh – loài nhuyễn thể hai mảnh từ đại dương – không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng mà còn mang lại nhiều giá trị tuyệt vời cho sức khỏe. Với hàm lượng dinh dưỡng vượt trội, vẹm xanh thực sự xứng đáng được gọi là “siêu thực phẩm” cho sức khỏe.

Vẹm xanh
• 18:45 15/01/2025
Some text some message..